Tại sao chúng ta đổ xô đi học Tiếng Nhật?
Thế là cũng đã gần tám tháng kể từ khi tôi đặt chân đến Mina. Mina bây giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, là nơi tôi học được những điều mà nếu chỉ ngồi trên ghế giảng đường có lẽ chưa chắc tôi học được.
Tám tháng, không phải là một thời gian đủ dài so với cuộc đời của một con người, nhưng bây giờ đôi lúc ngồi nghĩ lại, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đó là tám tháng để tôi khôn lớn trưởng thành, và là một con người khác so với người mà đã từng là tôi. Ngày đầu tiên bước chân tới Mina, tôi vẫn còn nguyên tác phong của một cô bé cấp ba, của một đứa con gái lúc nào cũng được bố mẹ yêu chiều nên chẳng còn chỗ nào là chỉnh chu, ngăn nắp. Và điều đầu tiên tôi nhận được ở Mina đó có lẽ chính là cách sống của người Nhật, từ những việc nhỏ bé nhất như tắt đèn sau khi ra khỏi phòng, lau bảng sau khi hết giờ học, xếp ghế đúng chỗ, chào hỏi mọi người, hay đơn giản chỉ là nở nụ cười khi nhìn thấy bạn bè và các anh chị giảng viên. Tôi vào Mina với chỉ một ý nghĩ cháy bỏng là mong muốn tiếp nối vốn tiếng Nhật đã tích lũy từ khi còn là một cô bé 12 tuổi, cố gắng học thật nhanh để trở thành một “Sensei” (trong Tiếng Nhật có nghĩa là thầy, cô, giảng viên hay tiên sinh) có thể truyền đạt lại tình yêu tiếng Nhật, nét đẹp của văn hóa trong nó cho học viên. Thế là tôi đi học, chẳng suy nghĩ gì thêm, quyết định học tiếng Nhật tại Mina… Mùa hè đến nắng đổ và gió thật nhiều, vẫn như bao mùa hè khác, tiếng ve râm ran và phượng đỏ rực những con phố tôi đến trường. Thời điểm này quê tôi cũng đã gần xong vụ gặt và đang chuẩn bị cho cái màu xanh ấy lại tràn trề và bạt ngàn trên các cánh đồng. Ngày đầu tiên đi học, do đã quen với cách thức dạy và học ở phổ thông nên tôi đã bị “choáng” bởi cái cách thức “điều phối trận đấu” của Sensei. Nhanh lẹ và hầu như hoàn toàn bằng Tiếng Nhật, tôi chỉ kịp nghe những từ tôi đã biết và thấy quen thuộc. Đứng lên nói, trả lời, đóng giả các tình huống thực tế và ghi chép rất ít(?), chúng tôi bị quay mòng mòng suốt cả buổi học, tan chảy trong cái cảm xúc sang sảng mềm mại của Sensei. Mỏi hết cả hai hàm răng, cứng cả lưỡi, mọi người phải uống nước liên tục để cho nó “trôi”. Thích nhất là những lúc trong bài học có các tình huống giữa người Nhật và người Việt, được nghe Sensei chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong tình huống đó tôi như hiểu thêm bao phần giữa sự giống và khác nhau trong văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Các bạn trong lớp cũng như tôi, chỉ chìm đắm trong “Nhật, Việt, văn hóa, ứng xử” và…”tiếng lóng” (Japanese Slang)…Thế rồi chúng tôi quen nhau tự lúc nào không biết, để tiếp sau đó là những buổi “kaiwa” trà đá vỉa hè hay “pikunikku” đầy thú vị. Cứ thế, mỗi ngày, trong lòng vui thấy lạ và lúc nào cũng tràn đầy tinh thần học tập, cảm thấy sự tiến bộ của mình từng ngày từng ngày. Luôn phấn đấu và chăm chỉ mỗi ngày, lên kế hoạch cho dự định mới. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ chẳng có gì cho đến một ngày, ngày mà khóa học của tôi cũng đã gần kết thúc, Sensei có hỏi chúng tôi một câu lạ: “Tại sao chúng ta đổ xô đi học Tiếng Nhật trong khi người Nhật không đổ xô đi học Tiếng Việt?” “Tại sao ư? Tại vì chúng ta còn nghèo, còn thua kém họ!” Cái câu tự trả lời ấy của Sensei vang lên trong cái không gian bỗng nhiên im bặt đến lạ thường. Liệu đó có phải là một câu trả lời hay lại là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Tôi đi học Tiếng Nhật làm gì ư? Là để được làm giảng viên như Sensei……nhưng vẫn có cái gì đó ám ảnh và trĩu nặng quá. Thật khó tả! Tiết học hôm đó được về sớm, Sensei vẫn những động tác nhanh gọn quen thuộc: tắt điện – đóng cửa – ra về, còn chúng tôi ra về trong cái tâm trạng khó tả ấy. Được về sớm mà chả vui tí nào cả! Sau mấy ngày nhức mắt và đau đầu với việc luyện viết chữ đẹp để chuẩn bị cho cuộc thi viết chữ đẹp tại Mina, tôi hân hoan tới lớp với thành tích 3 phút viết xong cả 2 bảng bảng chữ cái, đều và đẹp. Buổi sáng, trên xe bus lúc đã qua giờ làm việc thật thưa người và dễ chịu, nắng nhẹ xuyên qua cửa kính còn mờ nước sau trận mưa lúc vừa sáng, cây cối như xanh hơn và không khí thật trong lành, nó làm tôi nhớ tới cảm giác của ngày đi thi đại học: Sáng sớm dậy sớm nhất cả khu trọ, vì khu trọ toàn người đi làm nên họ dậy sau 6h sáng, còn tôi thì theo thói quen đi học ở quê nên cứ 5h kém là dậy và bắt đầu xả nước. Xong công tác chuẩn bị cho ngày mới là ra sân vươn vai nhìn lên cây xoài đầu cổng, cảm nhận cái hơi se se lạnh của những ngày hè có bão, thật là thú vị. Loa phóng thanh của phường đưa tin công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đợt thi đại học, tin nhà trọ, tin bộ giáo dục và cả tin tắc đường nữa, nghe cũng thấy vui vui. Lấy sách ra đọc và cảm thấy thoải mái tự tin bước vào kỳ thi với câu nói của anh hàng xóm: “Tụng kinh sớm thế em”.
Tôi nhớ lại một câu nói khác trong cuốn “Khuyến học” của tiên sinh “Fukuzawa Yukichi“: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người.” Ngẫm thử mà xem, kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo. Suy rộng ra đó là cả một đất nước, một nền văn hiến lâu đời. Nhật Bản, cũng như chúng ta, trải qua bao cuộc chiến tranh xâm lược vô cùng tàn khốc, hứng chịu những hậu quả chiến tranh tang tóc – thê lương và cùng kiệt hơn nữa là những thảm họa thiên nhiên cuồng loạn, bão tố. Thế nhưng họ có tuyệt vọng không? Không! Họ có chấp nhận số phận không? Không! Họ có từ bỏ những gì đã và đang theo đuổi? Không! Trái lại họ còn làm lên những điều lưu danh sử sách: “Thần Kì Nhật Bản”. Hai quả bom nguyên tử không đủ làm tan tác ý chí quật cường của họ, hàng ngàn trận sóng thần không đủ nhấn chìm tinh thần vươn lên của họ. Không chấp nhận cái bình thường, cái vừa đủ, cái địa vị quốc gia trên năm châu, bốn bể, họ đương đầu với vô thường để làm lên những điều phi thường. Nhưng Việt Nam của tôi cũng đâu có kém gì! Cũng đẩy lùi tất cả các đế quốc hùng mạnh bậc nhất Thế giới, đánh tan mọi “bè lũ bán nước và cướp nước”, cũng làm lên một “Điện Biên Phủ trên không chấn động năm châu – vang vọng địa cầu”…Đoàn kết, quật khởi, thông minh và khéo léo, tài nguyên thiên nhiên cứ gọi là “rừng vàng – biển bạc” nhưng… tôi vẫn phải đi học Tiếng Nhật! Không biết trước khi làm lên “Thần Kì Nhật Bản”, người Nhật có đổ xô đi học Tiếng Tây không nữa nhưng chắc chắn một điều: Phương pháp học, đường lối giáo dục và mục đích học tập của họ quá đúng đắn. Họ mua về công nghệ của phương Tây, học nó, mổ nó, xẻ nó, đào nó, xới nó tanh bành và kĩ lưỡng. Cho đến khi hiểu được bản chất của nó, làm lại được nó rồi thì họ lại còn tìm cách cải tạo, nâng cấp, vun đắp nó lên một đẳng cấp hoàn toàn khác – một thương hiệu Nhật Bản uy tín, bền vững. Nói như vậy để thấy rằng: chúng ta khi học một cái gì đó, cần phải học hỏi tính cách của người Nhật Bản. Học ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là học để nói, để nghe, để đỗ đạt hay có công ăn – việc làm, mà đó còn là việc lĩnh hội cả một nền văn hóa – một thành tựu kết tinh những gì đẹp đẽ nhất của cả một dân tộc. Đọc đến đây, chắc các bạn cũng đã hiểu lý do tại sao có nhiều bạn đổ xô đi học tiếng nhật như tôi. Mong cho các nỗ lực và tinh thần đổ xô của chúng ta không phải là phong trào, mà sẽ tạo nên 1 cộng đồng các bạn trẻ ham học, thực hành, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
22/08/2014 – Nhật Bản trong tôi! – Học viên Mina